Smaller Default Larger

Nghệ thuật uống rượu và cụng ly

Tôi có một người bạn đến thăm Cognac – một vùng thuộc Pháp. Sau khi trở về nước, anh kể nhiều chuyện anh đã trải nghiệm từ xứ đó cho tôi nghe, trong đó có việc uống rượu và cụng ly của người xứ đấy.

Khi nhắc đến Cognac thì chắc chắn ai cũng biết, đó là một loại rượu rất nổi tiếng. Nhưng có nhiều người không biết, Cognaccòn là tên của một vùng sản xuất ra chính loại rượu ấy.

Người bạn của tôi nói, lần đầu tiên anh được uống rượu Cognac theo đúng cách của nó. Thấy rất khác. Tức là không dzô dzô, trăm phần trăm rồi ực cái hết như nhiều người (đại đa số người) vẫn thường uống rượu ở Việt Nam. Anh rời xa vùng đất ấy, và cái còn đọng lại trong ý nghĩ của anh là hãy tránh đi những dzô dzô, những ừng ực…

Tôi trêu chọc anh, thật sành điệu. Anh thấy được gì mà bảo tránh đi những dzô dzô, những ừng ực…

Anh nói, anh không thể diễn tả được cảm giác ấy nhưng anh thấy người dân ở đó, cách họ uống rượu rất nhẹ nhàng, rất lịch sự, uống mà như trân trọng từng giọt rượu vậy.

Tôi mỉm cười trước những điều anh nói mà không biết nên giải thích sao. Bởi vì anh học tiếng Pháp mà anh lại không hiểu rõ về nét đẹp trong văn hoá uống rượu này.

Tôi ngồi giải thích cho anh rằng, khi nhắc đến việc thưởng thức đồ uống, ngoại trừ uống beer thì dzô dzô – nét vui vẻ đặc trưng của beer, còn lại tất cả mọi đồ uống khác mà dzô dzô rồi ực một cái hết khi uống là không lịch sự và không văn minh. Uống rượu không phải chỉ để uống mà còn phải ngửi hương vị, nhìn màu sắc của rượu nữa. Ướp lạnh rượu (hoặc hâm nóng) trước khi uống… cũng chỉ với mục đích là để người uống cảm nhận được sâu sắc hơn mùi của nó khi rót ra ly. Trước khi uống bao giờ cũng phải lắc nhẹ ly để làm mùi rượu dậy lên. Cụng thì cũng chỉ là cụng nhẹ để nghe âm thanh từ chiếc ly chứ không phải dzô dzô ầm ầm rồi ực cái hết. Thưởng thức rượu là đánh thức tất cả mọi giác quan. Trước khi uống rượu thì phải ngửi rượu, nhìn rượu và… nghe rượu. Uống rượu vào là để mình đằm thắm hơn, nồng nàn hơn,… chứ không phải để nói to, để hô hào, để cười một cách nham nhở.

Dân nhậu có một cách gọi hành động chạm cốc rất hóm hỉnh, đó là văn hoá “nâng lên, đặt xuống”. Hành động “chạm cốc” trong xã hội hiện đại như ngày ngay không đơn giản chỉ là thói quen bên bàn nhậu, nơi bàn chuyện làm ăn mà còn rất được chú trọng, dần nâng lên thành một nét văn hoá. Hành động tuy giản đơn, tưởng chừng như không có gì phải học nhưng lại có thể đem sự thành công trong công việc, sự kính nể trong quan hệ bạn bè hay đôi khi nó nói lên cả tính cánh của một con người.

Không ai biết chắc chắn tập quán chạm cốc khi uống rượu có từ bao giờ. Nhưng ngay từ thời La Mã cổ đại các đấu sĩ vì nghi ngờ cốc rượu của mình có độc đã nghĩ ra cách đổ hai cốc sang nhau. Trong khi thực hiện động tác này tất nhiên hai cốc phải có sự va chạm vào nhau. Người Hi Lạp cổ đại thì giải thích rằng khi uống rượu mũi thì được ngửi mùi thơm của rượu, mắt thì được ngắm màu sắc của rượu, lưỡi có thể thưởng thức vị ngon của rượu. Nhưng chỉ hai tai là không được thưởng thức gì cả. Vì thế người ta mới nghĩ ra cách chạm các cốc lại với nhau tạo ra tiếng vang. Sau đó việc chạm cốc khi uống rượu đã trở thành phong tục tập quán thậm chí một nghi lễ trong các bữa tiệc.

Bên bàn tiệc với chén rượu, cốc bia người ta có thể dễ dàng sẻ chia tâm sự. Mỗi cái chạm cốc đều thể hiện những tình cảm riêng. Nó có thể thay một lời chúc, một câu cảm ơn hay một lời xin lỗi. Dường như qua những cái chạm cốc con người ta dễ dàng tha thứ cho nhau hơn. Tuy nhiên “chạm cốc” thế nào cho có văn hoá không phải là ai cũng làm được. Làm thế nào để uống vừa đủ kết thúc cuộc vui, giữ không khí yên ấm, hòa thuận cũng là cả một nghệ thuật.

Y Học Cổ Truyền