Smaller Default Larger

Gốm Cổ Quảng Đức

 GỐM CỔ QUẢNG ĐỨC

Thời gian gần đây, một số người đam mê gốm có băn khoăn, gửi mẫu nhờ chúng tôi thẩm định về một số hiện vật được gọi là “gốm Quảng Đức”, “độc, lạ, có một không hai”. Những món “có một không hai” này xuất hiện ngày càng nhiều và giá bán cũng ngất ngưởng, có món lên đến hàng ngàn đô la Mỹ.

 

 Trong khi gốm cổ Quảng Đức (một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Phú Yên) có tráng men số lượng còn lại không nhiều và loại hình cũng khá đơn điệu, giá trị cũng không quá cao.

Suy cho cùng, gốm cổ Quảng Đức cũng chỉ là một dòng gốm địa phương, thương hiệu của nó không thể so sánh với Gốm Cổ Gò Sành (Bình Định), gốm cổ Chu Đậu (Hải Dương) hay gốm cổ Bát Tràng (Hà Nội)…
Phàm thì điều gì bất thường luôn khiến chúng ta phải giật mình, cần nhận diện kỹ càng để phân biệt, nhất là đối với một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của Phú Yên như gốm cổ Quảng Đức…


Qua khảo sát di chỉ lò gốm cổ Quảng Đức tại xã An Thạch (H.Tuy An, Phú Yên) năm 1992, gặp gỡ 3 nghệ nhân cuối cùng biết làm gốm cổ Quảng Đức tráng men và qua trao đổi với các nhà nghiên cứu gốm sứ, khảo cổ học trong và ngoài nước như: cố GS.Trần Quốc Vượng, TS.Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học), TS.Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế), GS.Thomas Ulbrich, Kenry Nguyễn, Phillip Trương (các chuyên gia về gốm sứ tại Hàn Quốc, Pháp)… chúng tôi đều thống nhất với nhau rằng: Gốm Quảng Đức là một dòng gốm cổ với nét tạo hình mộc mạc, phủ men tro là chủ đạo, thường có dấu vỏ sò hằn lên cốt gốm, xuất hiện rải rác ở thị trường cổ vật, trong một số bộ sưu tập tư nhân, nhưng tên gọi của dòng gốm này ít người biết đến.

Ở phố cổ vật Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM) thời điểm 1992, giới buôn bán và sưu tầm thường định danh đó là gốm khu vực miền Trung.Đối với thị trường quốc tế, cũng chỉ nói chung chung là gốm có xuất xứ ở Tuy Hòa, miền Trung Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, gốm cổ Quảng Đức với người sưu tầm trong và ngoài nước vẫn còn là một dòng gốm lạ.

 

Trong số ba nghệ nhân cuối cùng biết làm gốm cổ Quảng Đức tráng men, cụ Nguyễn Ky mất ở tuổi 81, hai cụ còn lại là Nguyễn Dần và Nguyễn Thịnh đều ở tuổi ngoài 70, thời điểm 1992.

Theo các cụ, làng gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm. Khai sinh dòng gốm này là dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào.

Trong báo cáo ngày 3.6.2007, Louise Allison Cort, giám định viên của Viện Smithsonian (Washington D.C., Mỹ ), ghi chép như sau: “…Theo tôi, bình vôi Quảng Đức có cái mang nhiều phong cách trang trí Trung Hoa là do ảnh hưởng của ba thế hệ thợ gốm từ Triều Châu, Quảng Đông đến đây khoảng thế kỷ 17 - 18…”.

 

 

Như vậy, gốm Quảng Đức vừa tiếp nối dòng gốm Gò Sành (Bình Định) nổi tiếng từ thế kỷ 12 - 13 đến thế kỷ 14 - 15 dưới vương triều Vijaya của Champa, vừa do thợ gốm từ Triều Châu, Quảng Đông và người Việt cùng làm.
Về nguyên liệu làm gốm, theo cụ Nguyễn Thịnh, gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở An Định. Đất sét xanh dùng chế tác đồ thông dụng, đất sét vàng dùng làm đồ cao cấp hơn. Đất sét xanh trộn với đất sét vàng làm đồ có kích cỡ lớn như chóe, chậu, hũ… Chưa có một căn cứ hay hiện vật gốm cổ Quảng Đức nào có cốt đất trắng.

Về củi đốt lò, chủ yếu là củi mằng lăng trong vùng và chở từ xã Kỳ Lộ (H.Đồng Xuân, Phú Yên) xuống bằng đường sông Cái. Ông Nguyễn Vĩnh Hảo, Giám đốc Bảo tàng gốm Gò Sành Bình Định cho biết: “Gốm Gò Sành và gốm Quảng Đức còn dùng củi chành rành trong quá trình nung để tăng nhiệt độ lò và tạo nên hỏa biến, hoàn nguyên mà cho ra nhiều màu men riêng biệt”.
Về kỹ thuật chế tác, gốm Quảng Đức được làm bằng nhiều cách như dùng bàn xoay, đắp con chạch, làm khuôn…

 

Nhà sưu tầm Đặng Quốc Huy đi khắp nơi để tìm hiểu nghiên cứu các dòng gốm cổ

Sản phẩm gốm Quảng Đức đa dạng về chủng loại như vò, chậu, chóe, bình vôi, nậm rượu, hỏa lò… với nhiều kích cỡ khác nhau. Tiêu biểu trong dòng gốm Quảng Đức là gốm tráng men. Đáng chú ý là trên các sản phẩm gốm tráng men hầu hết đều có in dấu vỏ sò. Người thợ gốm đã chèn vỏ sò (không loại trừ sò sống?) xung quanh sản phẩm đặt trong bao nung, khi nung lên, sản phẩm sẽ được tạo men bằng kỹ thuật nung chảy trực tiếp. Đây chính là điều làm cho gốm Quảng Đức khác biệt với các dòng gốm khác.

Về thị trường tiêu thụ, thời thịnh hành, gốm Quảng Đức được bán đi nhiều nơi trong nước, nhưng chủ yếu bán cho người Thượng ở Cheo Leo, Phú Bổn, Gia Lai, Đắk Lắk, một vài địa phương miền Nam...
Chưa có một căn cứ nào cho thấy gốm cổ Quảng Đức xuất khẩu sang Đài Loan. Bởi hiện nay, nhiều hiện vật gốm “phỏng theo” gốm cổ Quảng Đức đều đưa vào Việt Nam từ Đài Loan hoặc các tỉnh miền Tây Nam bộ qua đường bộ Campuchia.

Gốm Quảng Đức chấm dứt việc chế tác gốm tráng men khoảng từ sau năm 1945 do chiến tranh ác liệt. Sản phẩm gốm đất nung được duy trì thêm một thời gian rồi cũng chấm dứt hoàn toàn khi đồ nhựa, đồ kim loại lên ngôi.
Ông Phan Đình Phùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, có nhiều năm gắn bó với Bảo tàng Phú Yên và công tác sưu tầm, nghiên cứu gốm Quảng Đức, đánh giá: “Sự mộc mạc, thô ráp của gốm cổ Quảng Đức với màu men giản dị, khiêm nhường nhưng rất bí ẩn đã tạo nên sự hấp dẫn, ấn tượng đối với các nhà nghiên cứu cũng như những người sưu tầm. Gốm cổ Quảng Đức là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Phú Yên”.

Tuy nhiên, những hiện vật “phỏng theo” gốm cổ Quảng Đức xuất hiện tại thị trường Việt Nam thời gian gần đây thường có những đặc điểm sau:

Ấn tượng đầu tiên đối với người chơi gốm đó là những hiện vật “độc đáo” về chủng loại, khác những sản phẩm phổ biến của gốm cổ Quảng Đức; kích thước thường rất lớn, hoặc rất nhỏ; “hỏa biến” rực rỡ, bóng láng, chưa có độ lạc tinh (màu thời gian).

Đồ án trang trí cũng rất “độc đáo” như: xuất hiện đồ án đắp nổi hoặc khắc vạch linh vật rồng 5 móng trên thân gốm (điều cấm kỵ dưới chế độ phong kiến đối với đồ dân dụng, không phải đồ quan dụng, ngự dụng).

Hình vỏ sò in trên gốm có kích thước bất thường: quá lớn hoặc quá nhỏ, hoặc chỉ một đường thẳng. Điều này khác với hình dáng con sò trong tự nhiên, nhất là đối với sò huyết ở đầm Ô Loan thường kích thước không quá lớn.

Đặc biệt, gốm cổ Quảng Đức hoàn toàn không có cốt đất trắng. Vì hầu hết gốm “phỏng theo” gốm cổ Quảng Đức hiện nay đều có cốt trắng, nhiều hiện vật được phủ màu bên ngoài và không bao giờ để lộ phần đáy ngoài của gốm để không cho thấy cốt đất trắng.
Về hỏa biến, màu sắc và hình dáng hỏa biến rất nhiều, những chỗ hỏa biến có sự tác động của con người (đều này không khó với công nghệ làm gốm hiện đại). Khác với hiện tượng hỏa biến tự nhiên của gốm cổ Quảng Đức…

Và một cảm nhận bằng linh tính của người sưu tập, nghiên cứu lâu năm đó là gốm “phỏng theo” gốm cổ Quảng Đức rất bóng bẩy, quí phái khác hẳn một dòng gốm dân dụng với đặc điểm sần sùi, thô ráp, khiêm nhường như nhận định của ông Phan Đình Phùng.

Việc sản xuất gốm sứ “phỏng theo” các dòng gốm chính thống nhằm mục đích kinh doanh hoặc đáp ứng một thú chơi không phải là điều mới mẻ.

Tại Trung Quốc, thợ thủ công các đời sau đã làm gốm phỏng theo gốm sứ nổi tiếng các đời Tống, Minh, Thanh…

Vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng, người sưu tập gốm cần phân biệt đâu là đồ chính thống, đâu là đồ “phỏng theo” để tránh lẫn lộn, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của địa phương, dân tộc.

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Trần Thanh Hưng, Nguyễn Đình
Báo Thanh Niên
05.02.2019

 

 Gốm Cổ Chu Đậu

Gốm Cổ Cây Mai

Gốm Cổ Quảng Đức

Gốm Cổ Châu Ổ

Gốm Cổ Gò Sành

Gốm Cổ Cây Mai

Lò Gốm Cổ Gò Sành

Ché Cổ Tây Nguyên nét độc đáo trong nghệ thuật trang trí và xuất xứ

Hội thảo khoa học quốc tế Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya TK 11-15

Nét văn hóa Tây Nguyên qua bộ sưu tập Ché Nguyễn Văn Hải

Nhà sưu tầm Đặng Quốc Huy đi khắp nơi để tìm hiểu nghiên cứu các dòng gốm cổ

Nhà Sưu tầm Cổ Vật Đặng Quốc Huy tham quan Trưng bày nghiên cứu Di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận – Quảng Nam

Những nguyên tắc để chọn lựa một món đồ cổ

Độc đáo bộ sưu tập gốm cổ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Thạc Sĩ Đinh Lăng vẫn đôi chân ấy sưu tầm Ché cổ không biết mệt mỏi

Hầm rượu Đinh lăng

Amakong bổ thận tráng dương

Cơ Hội Việc Làm

Y Học Cổ Truyền

Sâm Ngọc Linh